Ghi nhận của báo Hồn Nước.
Cách đây vài tuần, Cộng Đồng Việt Nam Georgia, tổ chức buổi pinic, tại công viên thành phố cổ Norcross. Dù lúc ấy trời nắng nóng như nung, lại thêm đổ mưa, khiến không khí oi nồng khó chịu vô cùng, thế nhưng các bạn trẻ vẫn vô tư, vẫn say sưa chìm đắm mê hồn theo từng nốt nhạc, tôi chụp hình những cháu Thiếu Niên đứng há hoác miệng nghe đê mê, định sẽ post lên bài bài tường thuật, gởi đến đồng hương của mình để biết tình hình mới, đang chuyển biến sinh hoạt trẻ trung trong Cộng Đồng, nhưng việc nhà hiện nay rất bề bộn, lòng dạ ngỗn ngang, giờ giấc hết sức eo hẹp, nên đành thôi…!
Trong buổi picnic tôi gặp một ông Mỹ, (không phải ông Dan quen thuộc của chúng ta), ông Mỹ này cũng “máu” chụp hình, ông ấy đến bắt tay tôi và nói: “bạn có viết bài không, tôi sẽ gởi hình cho” À, hóa ra ông này từng cho hình, khi viết bài sinh hoạt CĐ, thời chị Kim Hạnh làm Chủ Tịch, ông mở máy cho xem từng lều bạt của những gian hàng: Ăn Uống, gian hàng Nha Sĩ, Gian Hàng Địa Ốc, gian hàng Bảo Hiểm…ôi thôi đủ sắc màu chói chang dưới nắng hạ, sang thu. Sau đó gặp cô Thu, giới thiệu với các cô tòa soạn báo Sài Gòn Nhỏ (thật ra báo Người Việt Cali, “tiếp quản” SGN, sau khi bà Đào Nương – Hoàng Dược Thảo, bị knockout, bởi một vụ kiện) họ muốn nhờ tôi đưa đến tiếp xúc BCH & HĐQT, để được phỏng vấn, không biết họ phỏng vấn cho vui, hay đã lên báo SGN? Vùi đầu với công việc, không thể biết. Bài viết về buổi picnic của Hồn Nước, kể như theo mùa đi mãi, tôi cảm thấy như mình nợ các bạn trẻ một cái gì đó.
Kể từ tình hình cá chết ở miền Trung, cùng nhiều diễn biến khác, tôi không viết bài nào, lần này đến với ngày khánh thành VP & TTSHCĐ, tôi cũng không dám nghĩ mình sẽ viết được, mãi tới lúc ra về nhiều cụ ông, cụ bà nhiều bạn bè cầm tay lắc lắc, hỏi thăm chân tình về sức khỏe của vợ tôi (…) kèm theo lời nhắn nhủ “Hồn Nước viết cho bài tường thuật lên báo nhé”. Tôi cười đáp: quí vị đều hiện diện đây rồi, còn tường thuật chi nữa hè! Họ nói: Í, đi thì đi, coi báo cũng thấy zui chớ, với lại viết cho người không đi dự coi chơi.
Bây giờ báo sắp lên khuôn, gởi qua nhà in, mới trải giấy, mài mực mà đầu rỗng không. Chỉ nhớ toàn người với người, ghế xếp hai hàng, cỡ trăm người ngồi, số còn lại họ cứ đi hoài trên các hành lang, không biết họ đi đâu, cứ chen chân đi miết, lớp này ra, lớp khác vào và đi dạo, họ làm VP CĐ như là phòng triển lãm, đi hoài từ phòng này qua phòng khác, tôi lộn ra hành lang chính, theo chân người đi ngược vào bên trong. Phòng đầu tiên, hình như phòng khánh tiết và tiếp tân, phía bên trái phòng này, trên tường treo hình Chủ Tịch và các thành viên BCH CĐ, hàng bên dưới hình Chủ Tịch HĐQT và các thành viên, nhìn toàn khung cảnh, nó hao hao giống city hall, hay là giống VP quận hành chánh, dù cảnh người vào ra, lui tới nhưng căn phòng không mất đi vẽ bề thế, trang nghiêm của chốn làm việc CĐ, nhiều người ngắm nghía trầm trồ khen CĐ trẻ, đẹp. Tôi chen vào, không phải đâu, nhờ photo shop đó, mấy người này quen qúa mà, đâu có đẹp dữ vậy! Ghé thoáng qua mấy phòng học Anh, Việt ngữ, khá vừa vặn, chắc mấy thầy cô phụ trách lớp khoái lắm, ngoài vài ba phòng họp mi ni, chứa chừng vài ba chục người, còn lại phòng họp lớn nhất, có lẽ hơn một trăm người, tôi ước mơ CĐ có hội trường thật lớn, cỡ từ ba đến bốn trăm người, để hàng năm anh em chúng tôi tổ chức lễ Tưởng Niệm Cố TT Ngô Đình Diệm và Chiến Sĩ Trận Vong, khỏi vất vả chạy vạy tìm kiếm hội trường. Ước mơ vậy thôi, chứ anh em mới ngồi “chưa nóng ghế” lấy đâu ra mơ với mộng.
Đôi điều suy nghĩ về Cộng Đồng
Ngoài ngôi nhà gia đình chúng ta đang sống với người thân, chúng ta còn có ngôi nhà to lớn hơn, với không gian rộng mở, đó là ngôi nhà Cộng Đồng. Từ khi bỏ nước ra đi, người Việt khắp nơi đã tổ chức thành lập Hội Đoàn, Cộng Đồng, ngõ hầu tìm hơi ấm của nhau, trong tình đồng hương trên xứ lạ, nhiều thập niên qua đã như vậy rồi. Lớp người xưa ấy, nay còn đâu, nếu còn cũng lực bất tòng tâm, không thể cáng đáng nổi, nhìn chung khắp nơi đều có tuổi trẻ dấn thân phục vụ CĐ.
Những tư tưởng và nhiệt huyết tuổi trẻ ở miền Tây và miền Đông Nam gặp nhau.
Ở Texas ông Trần Quốc Anh, cựu Trung Tá Lục Quân Hoa Kỳ, cũng như các bạn trẻ Georgia, chập chững bước vào Cộng Đồng, xuất phát từ ý nhĩ chân thành và đơn sơ thế này:
Trích lời ông Trần Quốc Anh
Ông nhớ lại, “Khi đó, tôi xuất thân từ lính ra, biết cộng đồng là gì đâu. Khi về đây thấy không khí vui vẻ thì thích thôi, chứ chẳng biết ‘cộng đồng người Việt Quốc Gia’ gì hết.”
Tuy nhiên, cuộc đời luôn có những đưa đẩy bất ngờ, cũng như cuộc đời của người lính này. “Khi tôi làm việc cho sở cứu hỏa được tám năm thì họ gửi tôi về làm liên lạc cộng đồng Châu Á, mở rộng mối quan hệ với cộng đồng Việt Nam. Mỹ có nhiều chương trình mở rộng ra như thế. Tôi vào cộng đồng Việt, nói chuyện với người Việt, cũng phát những đồ dùng cho người Việt như máy báo khói chẳng hạn…”
Và, chính trong quá trình tiếp cận với cộng đồng có cùng màu da, tiếng mẹ đẻ với mình, ông Quốc Anh mới “giật mình” nhận ra là “Sao cộng đồng của mình dỏm vậy! Sao cộng đồng mình xấu vậy!”
“Dỏm và xấu theo nghĩa nào?” Người nghe cũng “giật mình” vì nhận xét không chút kiêng dè như thế.
Người đàn ông trung niên, nói tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt trong cuộc sống hằng ngày, giải thích một cách đơn giản nhất, “Xấu là họ chửi nhau nhiều. Dỏm là cái địa thế của Việt Nam mình yếu quá!”
“Khi làm công việc mở rộng mối quan hệ ra với các cộng đồng Châu Á, tôi nhận ra là cộng đồng người Hoa lớn lắm, có cả hơn 20 người làm việc trong đó. Trong khi đến trụ sở cộng đồng Việt Nam, ‘chời’ ơi, không bằng người ta, mà cũng không có mở cửa.” Tiếng “chời ơi” của ông chủ tịch trẻ đủ cho người đối diện cảm nhận một cách rõ nhất tâm tình ngỡ ngàng, thất vọng của một người gốc Việt lớn lên trong xã hội Mỹ lần đầu tìm về chính cội nguồn mình.
Ông cho biết thêm, “Không chỉ tôi làm cho sở cứu hỏa mà làm cho thành phồ luôn. Nghĩa là khi thấy thành phố có cái gì hay, bổ ích tôi cũng kéo về cho cộng đồng Việt Nam luôn, bằng cách tổ chức các sự kiện. Mục đích của tôi là phục vụ cộng đồng, chứ không phải Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia, chỉ là cộng đồng Việt Nam thôi.”
“Càng ngày càng học hỏi về cộng đồng người Việt thì càng thấy chán, càng thấy thua”
“Khi làm rồi tôi nhận ra là người Việt Nam mình rất là… Việt Nam, ‘khép kín.’ Việt Nam chỉ chơi với Việt Nam thôi, chứ không hướng ra dòng chính nên mình không có được gì hết,” ông tiếp tục nhận xét.
Nhìn ra điều đó, nên “người liên lạc” này “cố gắng mang nhiều quyền lợi đến cho cộng đồng mình hơn.” Tuy nhiên, ông không ngại thừa nhận, “nhưng càng ngày càng học hỏi về Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia thì càng thấy chán, càng thấy thua.”
Với tâm tình đó, cùng nhiệt huyết của một người muốn góp một bàn tay “làm sao để cho cộng đồng mình phát triển, ít nhất là được như cộng đồng người Hoa tại Houston,” nên cách đây ba năm, khi được mời ra ứng cử chủ tịch cộng đồng ở Houston, ông Quốc Anh đã “cảm thấy rất vui.”
“Giống như khi mình đi học, được dạy các tổ chức này tổ chức kia, hiệp hội này, hội đoàn kia là vui thôi, rồi nghĩ được ở trong ban chủ tịch cộng đồng Việt Nam thì cũng là có một ‘lý lịch tốt’ để đi xin việc rồi nên quyết định tham gia,” ông nhớ lại.
Nhưng. “Vô rồi mới thấy, chời ơi!”
Lại một tiếng kêu “chời ơi.”
ngưng trích
Ở đâu cũng vậy, tuổi trẻ ấm ức “Vì sao người mình thông minh, cần cù nhẫn nại, từng cá nhân thành công, lý ra hợp đoàn phải tạo ra sức mạnh, đằng này thực tế thời gian càng tích lũy, CĐ dậm chân tại chỗ, vì sao và vì sao”
Từ trăn trở này, tuổi trẻ Georgia đã dấn thân. Đây là động lực duy nhất, xuất phát từ tâm trí họ. Vì trăn trở này đã hình thành Ủy Ban Vận Động Hợp Nhất Cộng Đồng, để rồi bây giờ tuổi trẻ đang trên đà cống hiến những gì họ đang có: Tuổi trẻ, học vấn và nhiệt huyết…
Văn phòng CĐ, chỉ mới là điểm đầu tiên, chỉ mới là điểm xuất phát. Lộ trình còn đằng đẳng phía trước, cỗ xe Cộng Đồng Việt Nam sẽ đi tới đâu? Đó là câu hỏi của mỗi Đồng Hương, và mỗi người tự góp phần vào câu trả lời.
Nhiều lần tôi từng nói với các bạn trẻ rằng: Nay tôi đã già rồi, không còn khả năng nào giúp được CĐ, tuy nhiên tôi còn khả năng treo cờ, nhặt rác, xếp bàn ghế cho đồng hương ngồi họp, các bạn đừng ngại, cứ gọi tôi mỗi khi cần. Vâng kho thời gian Thượng Đế chia đều cho mỗi người, sức khỏe và khả năng từng người không giống nhau, song vì yêu mến CĐ, vì trách nhiệm, mình góp vào những gì có được, không thể nói KHÔNG.
Nếu thờ ơ, cứ hoài nghi vòng tay đứng ngó từ xa, thì lộ trình không cần đằng đẳng, chỉ cần mấy bước chân thôi, thì cỗ xe CĐ, khỏi cần chiêm tinh gia, ai cũng biết 40 năm qua rồi, bốn mươi năm tới, nó vẫn đứng y đó. Khi ấy con cháu mình nhìn CĐ bạn, chắc chúng nó cúi đầu, nếu ai hỏi “where are you from” có lẽ chúng kiêng dè hai chữ Việt Nam mến yêu, thiêng liêng của cha ông, có thể nó nói tránh rằng: I’m from Norcross chẳng hạn.
“Hương thời gian thanh thanh, màu thời gian tím ngắt.” Hương thời gian nhẹ nhàng, nhưng có sức tàn phá mọi thứ, thân xác chúng ta rồi cũng tới ngày chia xa. Hiện tại cỗ xe Cộng Đồng Việt Nam Georgia, còn gọi theo tiếng của lớp trẻ là UVAC, đang lăn về phía trước, với nguyện vọng theo kịp Cộng Đồng bạn, với hoài bảo mang phúc lợi về cho toàn thể Đồng Hương, mỗi người hãy góp vào một phút cũng quý, một cent cũng trân trọng. Để lúc từ biệt, mình không còn trăn trở, hay hối tiếc “cho những ngày còn không”. (1)
Ông Bút
Nguyễn Mậu Hiệp
—————————————————–
(1) Ba đồng một mớ trầu cay, Sao anh không hỏi những ngày còn không? Bây giờ em đã có chồng, Như chim vào lồng, như cá cắn câu. Cá cắn câu biết đâu mà gỡ, Chim vào lồng biết thuở nào ra.
——————————————————–
Ca dao, liên quan sự tích ông Đào Duy Từ và Chúa Nguyễn, ý bài này là chúng ta hãy cố gắng thực hiện được khi có thể, để không hối tiếc về sau.