(Tặng Trung Tâm Sinh Hoạt Cao Niên, 1 st Senior Center)
Hoàng Ngọc Lan
Năm nay tôi cũng tròn trèm đi lên cái “chức” Cao Niên, nên đang ngắm nghía những địa điểm người già nào, mà mình cảm thấy happy! Đang đứng trước những ngã 5, ngã 7 cuộc đời, (nghĩa là Atlanta có tới 5, hoặc 7 hội Cao Niên.) Tình cờ một hôm tôi nhận được thư mời: Tham dự lễ khai trương TRUNG TÂM SINH HOẠT CAO NIÊN, có tên Mỹ 1st Senior Center, tọa lạc trên đường Peachtree Industrail Blvd.
Hầu như ai cũng vậy, khi nhận thư mời, thường xem xét thử, thành phần sáng lập, và ban tổ chức là những người nào? Ở Atlanta hơn 20 năm, đã quá thân thương với nơi này và đồng hương của mình. Nên chỉ 3 nốt nhạc, biết liền. Hóa ra cô Vôn và anh Cường khai thuế, là những người đầu tàu sáng lập! Tiếp theo một thắc mắc khác, Cường và Vôn, hai người kinh doanh thành đạt, tuổi còn trẻ, thiếu gì việc để làm, lại xông vào cỏi già?
Định đem câu hỏi này, đưa ra ngày khai trương thứ Bảy, ngày 24 tháng 6 vừa qua, nhưng khúc dạo đầu MC Lang Lưu đã trải lòng cho chủ nhân của cơ ngơi, đại khái:
“Chắc quý vị ở đây ai cũng đặt câu hỏi, là tại sao người sáng lập Trung Tâm Sinh Hoạt Cao Niên, tuổi đời còn trẻ, đi mở trung tâm chăm sóc người già? Lý do: Khi còn cô bé 9 tuổi, vượt biên trên sóng cả, biển ngàn. Được đến xứ sở tự do, để hưởng muôn vàn ơn nghĩa, cũng như những tiên nghi học hỏi, để vươn lên, từ rất sớm cô Von, đã ươm một ước mơ: “Sau này nếu thành công, cô sẽ làm việc gì đó thật hữu ích cho đời”. Giờ đây ước mơ đã thành hiện thực, hơn hai trăm quan khách, đồng loạt vỗ tay.
Xuất đi từ một cháu bé 9 tuổi, chắc hẳn được gia đình giáo huấn kỷ lưỡng, nên cái huy hiệu của trung tâm mới có hình cờ VNCH, còn không gió bụi cuộc đời đã tàn phai mất tiêu rồi! Chỉ cái huy hiệu thôi, đã nói lên con người mặn lòng với quê hương. Đi vào chương trình, phần chào quốc kỳ Việt Mỹ, trang nghiêm, do anh Thiện điều khiển, cắt băng khánh thành, giới thiệu thành phần tham dự, giới thiệu Ban Điều Hành và nhân viên, và nhiều lắm, song chỉ nhớ chị Lý Thị Thái, và chị Lê thị Minh Hương làm phụ tá điều hành Trung Tâm Sinh Hoạt Cao Niên.
Khi ra ngoài tham dự cắt băng khánh thành, mọi người mới thấy hết vẻ bề thế của cơ ngơi, cùng những bài trí hết sức tính “thủy chung” và ý nghĩa của người sáng lập. Bên phải một con thuyền vượt biên sắp đầy ắp…nước, hôm nay nó đang yên vị trên nền bê tông phẳng lặng, nhưng hình dung, ngược thời gian trước khoảng 40 năm, khi cháu Vôn, cháu Cường và hàng triệu người đã ngồi trên đây, vượt sóng tìm tự do, mạng sống “như chỉ mành treo chuông!” Ngạn ngữ Pháp nói rằng: “Con người vốn là một sinh vật mau quên”. Thật vậy, người Việt cũng ý tưởng tương tự: “Hiếm ai về tới nhà, còn nghĩ tới bóng mát ngoài đường.” Không biết giải thích thế nào, để tuổi trẻ hiểu được hình ảnh người tiều phu, người buôn gánh, bán bưng, khách bộ hành đường xa, đã núp vào bóng cây, khi trời nắng chang chang, hoặc khi giông bảo, mưa sa, nhưng được mấy ai nghĩ tới bóng cây che cỡ mình? 40 năm qua rồi, giờ thành đạt, hay chí ít cũng chễm chệ no đủ nơi xứ người, còn được mấy ai nhớ cảnh tình ngày xưa?
Cái quý của người sáng lập là đây.
Bên phải con thuyền đầy hoa tươi, là bến bờ tự do đẹp đẽ, phồn vinh, là vòng tay bao dung, nhân ái, dang tay đón nhận chúng ta, những con người khao khát hai chữ: Tự do.
Cô Von trong phát biểu: Tri ơn đồng hương, quan khách, bạn hữu, đặc biệt quý Cao Niên, đã tham dự ngày khánh thành, khai trương trung tâm, cô nói rằng đã mua cơ ngơi này, để tạo nơi thỏa mái cho quý Cao Niên sinh hoạt, đồng thời chăm sóc sức khỏe cho quý cô bác, từ một người kinh doanh địa ốc thành đạt, cô muốn làm một việc hữu ích cho đồng hương, thật ra cô không nghĩ gì đến “thu nhập” tức là income! Cô không nói thì anh em đều nghĩ như vậy. Cường khai thuế, nói tiếng Anh, diễn đạt: cả tuần nay Von lo trang trí, chăm sóc cho trung tâm, tới 2, 3 giờ sáng mới về nhà! Von làm việc rất vất vả, toàn tâm, toàn trí, cho cơ ngơi Cao Niên, anh ta không nói gì tới từ yêu thương, song ánh mắt và cỏi lòng, đã thay lời nói.
Bên trong nhiều phòng ốc, rất tiện nghi, được ngăn chia hợp lý: Phòng giám đốc điều hành, phòng họp, phòng đọc sách, phòng đánh banh bông, điểm qua những đầu sách trên kệ, thấy cũng hợp với “khẩu vị” Cao Niên! Có điều còn thiếu nhiều, hy vọng 2 người phụ tá, từng trãi, sẽ biết kiếm thêm, và kiếm bằng cách nào mà không tốn tiền! Thiếu bàn cờ tướng nữa…
Khi bước vào cửa trước, một phòng rất rộng, có sức tiếp trên hai trăm khách, bên trái một bức tường toàn là tre, cũng bình thường thôi, Việt Nam từ địa lý, tới con người, xưa kia có hơn 75% nông nghiệp, nông thôn VN, nơi nào chẳng trồng tre, vì vậy Tre (xin viết hoa) nó là biểu tượng của quê hương Việt Nam, nhưng bất giác, nhìn trung tâm bàn tròn, một lọ hoa nho nhỏ, thon thon, không cắm hoa, mà cắm vài bà cây tre, ấy cha! Bàn nào cũng có. Hóa ra Tre chẳng những biểu tượng quê nhà, còn là biểu tượng sự già cỗi, cái TÂM và TRÍ người sáng lập đáo để thật! Họ đang ưu tư cho mỗi người về lúc hoàng hôn.
Người xưa nói: Cuộc đời như vết xe lăn, vết lăn trước in hình thế nào, vết sau cũng như vậy. Hôm nay tuổi trẻ biết lo lắng cho tuổi già, mai kia họ sẽ được hưởng kết qủa như đã từng làm hôm nay. Nôm na nhà Phật thường nói: Nhân và Quả.
Nhìn Tre, biết được tâm, trí của người sáng lập, tôi cũng sướng điên người!
Atlanta, mùa hạ 2017
Hoàng Ngọc Lan