Báo Hồn Nước –
Bánh chưng xanh –
Người Mỹ lúc nào họ cũng ăn sung, mặc sướng, hoa thơm, trái hiền không khi nào thiếu, sòng bài mở cửa 24/24, quanh năm, nên new year, hay old year họ vẫn vui. Người Việt mình từ xa xưa đã khó nghèo, tết đến, xuân về mới có thức ăn ngon, bộ áo quần mới, dù may trước đó vài tháng, cũng cất kỹ dưới đáy rương, bỏ long nảo thơm phức, đợi mùng một tết mới mặc vào, mặc vào ngồi trong nhà ngó ra! Đợi ngày giờ tốt, chọn phương hướng mới xuất hành, trước giờ xuất hành cũng đắn đo ghê lắm, không biết tới nhà người ta, họ có vui không, lỡ năm đó gia đình người ta bị xui xẻo, họ đổ thừa…và dịp tết mới có bầu cua, tài xỉu, sòng bài, thử vận đen đỏ năm mới. Vì thế từ ngàn xưa cái tết nó ngấm sâu trong tâm hồn, từng thớ thịt, tế bào người dân Việt, xuân tết linh hồn của dân tộc, đầy tính thiêng liêng.
Trước 1975, ba tôi làm giáo viên, nhà có tới 8 nhân khẩu, lấy đâu dư dã, nhờ mẹ tôi khéo thu quén, giỏi cần kiệm, mới không túng thiếu, mỗi năm đến tết, ba tôi cùng với mấy anh em tôi chăm chút nồi bánh chưng, ngồi canh lửa từ chiều 28, hoặc 29 tháng chạp, cho tới 2, 3 giờ sáng hôm sau, mới vớt bánh, bọn Cộng Sản thường pháo kích vào dịp tết, nên nồi bánh chưng kê gần hầm bao cát, vừa núp. vừa chạy ra đẩy củi vào, phải giữ lửa cho thật đều, không mạnh, mà cũng không yếu, ngày ấy bánh chưng, bánh tét năm nào cũng xanh nghít.
Về sau 30/41975, cảnh đời túng thiếu, tết kiếm cái áo ít vá, mặc chúc tết, cũng đã khó, ba tôi qua đời, mẹ tôi cũng chắt mót ít nếp, ít đậu, vài lạng thịt, giữ nồi bánh. Không hiểu lý do nào bánh chưng, bánh tét thường bị vàng ố. mẹ tôi rất hồi hộp khi khui bánh, bánh xanh, mẹ tôi mừng, trái lại màu ố vàng, mẹ tôi sầu lo chất ngất, bà thở ra nghe thật tội nghiệp, 21 năm sống với Việt Cộng, bánh chưng màu xanh thật hiếm hoi, không hiểu vì sao nữa.
Đã 22 mùa xuân trên quê hương mới Atlanta, nhà tôi thường đặt bánh, năm nay nhờ thầy google, vợ tôi tự nấu bánh chưng, bánh tét, tuy là Cộng Giáo nòi, nhưng ảnh hưởng bà già chồng, vợ tôi cũng hớn hở mùng vui, bánh chưng xanh nghít, tuyệt đẹp.
- Tết Đài Tiếng Nước Tôi. Nhận lời mời của đài, vợ chồng tôi “ăn tết” tại đài, đúng đêm giao thừa, đài mời 6 giờ chiều, mà gần 7 giờ chưa thấy ai, chúng tôi cũng hơi ái ngại. Thế nhưng chỉ 30 phút sau, sân đài đã chật kín xe, phải đậu qua những VP kế cận, thật xôm tụ, vui. Thức ăn phần chính do Thủy (vợ HA) chu biện, sở dĩ đài TNT dù gian nan, chật vật mà tồn tại đến hôm nay, trước hết nhờ Đồng Hương (viết hoa) rộng lòng, ưu ái gìn giữ, nhưng không thể thiếu Thủy, người trợ thủ vô cùng lợi hại của Hùng Anh, hoặc đúng hơn là của đài, Thủy luôn nhu mì, kiệm lời, luôn cười rạng rỡ khi gặp anh, chị, em, Thủy có thể là biểu trưng của Phụ Nữ Việt Nam, về sự chịu đựng, sự hy sinh cho gia đình và cho công cuộc chung. Ngoài ra anh chị em cũng đem theo thức ăn, chúng tôi tha hồ ăn, nhậu, hò hát thâu đêm, cứ một thính giả bên ngoài gọi vào hát, kế tiếp người bên trong, tưởng chừng ba tháng đài TNT cũng chưa hết xuân! Hùng Anh khuyến khích “anh Hiệp hát một bài” tôi dò tìm, gặp Mùa Xuân Của Mẹ, thật quá đúng tâm trạng, tôi trình bày chững chạc, nhờ điệu nhạc đầy âm hưởng du dương, tôi liếc thấy hai cánh tay Tiến Dũng, gồng lên, những ngón tay rung trên phím cật lực, tôi dồn hết tâm huyết cho từng nốt, lời nhạc, không ngờ bốn biển, năm châu, gọi về khen rối rít, trước đó Kim Hồng giới thiệu: “Xin giới thiệu một người rất quen thuộc, xưa nay chỉ nói…chứ chưa từng hát, đó là anh Mậu Hiệp với nhạc phẩm, do anh tự giới thiệu…” từ hổm hát tới nay, quá nhiều fan hâm hộ, cái gọi phone, cái email, cái thì trung tâm này nọ đặt lịch hát (order). Trời ơi, nếu đi hát, ai cắt cỏ, mùa hè gần tới rồi, ai giặt đồ, ai clean nhà?? Ai chăm sóc vợ, ôi chao, có tài cũng mệt cầm canh, thôi từ nay thề không hát nữa.
Mến chúc đài TNT năm mới hùng cường, vững bước tiến trên đường tranh đấu cho quê hương xứ sở.
2. Tết Cộng Đồng Việt Nam Georgia
Trước tết, tội nghiệp chú Niên, đã ngoài 80, chú còn mặn nồng, quan tâm việc chung, chú bảo nhà tôi lo phần hoa quả, cúng bàn thờ tổ tiên, vợ chồng tôi thành tâm chọn hoa quả, bánh trái đầy đủ ý nghĩa, tinh khiết dâng lên cúng bà thờ tổ tiên, vì hài lòng chú cảm ơn hoài, tôi thưa: Tổ tiên trên bàn thờ Cộng Đồng, là tổ tiên chung, trong đó có chúng con, chú bận lòng làm chi, đừng cảm ơn mới phải.
Kế tới anh Mãng, anh khéo tay trang trí, lành tay nghề, trước tết qua phone, anh có chia xẻ công việc chút chút, tôi nói: Cái gì cũng được, anh làm ơn biến đi, hoặc làm mờ dùm mấy chữ “I Luv Tết”, vì làm Cộng Đồng là giữ gìn và phát huy tinh túy văn hóa dân tộc, chứ không phải phát huy văn hóa Mỹ, phát huy là đem cái văn hóa chánh gốc làm lan tỏa rộng ra, cho bất cứ ai trong vòng bán kính ảnh hưởng. Bất cứ họ thuộc sắc dân nào, chứ không riêng tuổi trẻ VN. Ví dụ mời một người Mỹ ăn bánh chưng, phải để nguyên thủy hương vị, sắc màu bánh chưng, đừng vì họ là Mỹ đem một nửa bánh chưng trộn với một nửa hamburger! Hoặc một nửa bánh chưng với một nửa bánh Madeleines, cho người Pháp và cũng không thể một nửa bánh chưng, với một nửa mẫu bánh Tacos cho bạn Mexico, tất cả đều là món ăn tuyệt hảo hạng của mỗi sắc dân, song đem trộn lại chắc chắn không ai ngửi nổi! Về văn hóa nên tránh nạn lai căng.
Một người Mỹ từng nói: “Hai đứa trẻ có sắc mặt Á Châu, nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh, chắc chắn chúng nó là Việt Nam”!! Nên suy nghĩ câu nói này để thấm dạ.
Những người trong BCH CĐVN GA, quý vị có hãnh diện mình là người Việt Nam không? Có tự hào về văn hóa dân tộc không?
Nếu có, quý vị mới hội tụ đủ yếu tố để phát huy, ngược lại nếu tự ti, xin miễn bàn. Sở dĩ phải viết mấy lời này, vì đi đâu cũng nghe đồng hương than phiền, và than phiền hơn nữa những lời giải thích của ban tổ chức.
Ôi!!! “I Luv Tết”, nghe sao lợm giọng quá, nó lởm chởm khi gắn liền với văn hóa dân tộc, khác nào “đồng hương yểm trợ đồng hương, rủ nhau đi chợ Kroger”!!
Bù lại tôi có được niềm vui dào dạt, đồng hương năm nay tham dự chào cờ đông đủ, và rất đúng giờ: 10 giờ sáng, ngày mùng Ba tết, Mậu Tuất, trước cột cờ cao, với lá đại kỳ mới toanh, do nhóm anh Mãng, anh Sâm (Nhảy Dù) may sắm. Lễ chào quốc kỳ hùng tráng, dưới sự điều khiển của chiến hữu Nguyễn Hiếu Hạnh, Gia Đình Mũ Đỏ. Sau đó vợ chồng tôi vào dự Lễ Dâng Hương Bàn Thờ Tổ Quốc, rồi ra về, chiều trở lại thu cờ, và những độc bình.
Chúc Cộng Đồng đoàn kết và cảm thông đồng hương.
Tết ở Trung Tâm Cao Niên First Senior Center
- Tết ở Trung Tâm Cao Niên First Senior Center
Tổ chức ngày mùng bốn tết.
– Múa lân từ ngoài sân vào tới bên trong bàn thờ Tổ Quốc
– Chào quốc kỳ Việt Mỹ, Việt do ông Nguyễn Lương Hưng chủ xướng, Mỹ, do Nhạc Khiêm hát (anh em khen hát rất hay, dù là cao niên)
– Dâng hương bàn thờ tổ quốc
Hiện diên của ban tổ chức, và gần 100 Cao Niên, có thêm hai nhà tài trợ là ông David và anh Tùng Lê văn phòng địa ốc Atlanta, anh Tùng Lê tặng 10 phần quà cho quý Cao Niên.
Mở lời đầu năm, cô Vôn, chủ nhân trung tâm nói: Cô chúc tết mọi người, mọi nhà an vui sức khỏe, tâm nguyện đời cô và trong năm mới: Là suốt dòng đời, điểm cuối của con người đều phải ra đi, ai nghèo, hay giàu rồi cũng trở về với cát bụi, hy vọng tột bật của đời mình là để lại một di sản đầy nhân ái và nhân bản, đó là Trung Tâm Cao Niên…
Lời nói vô tình của cô Vôn, tự nhiên nó trùng khớp với ý tưởng của tỷ phú Chuck Feeney, khi về già ông ta không để lại gì cho mình, bạn bè hỏi tại sao như vậy, ông nói: “Tấm vải liệm không có túi” Tư tưởng lớn gặp nhau, những tấm lòng nhân bản cũng quy tụ về một điểm: Tất cả cho tha nhân, thiên đường, hay niết bàn, chẳng lọ đâu xa, chỉ trong tầm tay với mà thôi.
Vôn là ngôi sao từ thiện cô đơn: Người đi học, có bạn là học trò, người làm nail, có bạn đồng nghiệp nail, người đi tu, có bạn tu cùng chí nguyện, bạn của cô Vôn, cũng không khác là những người chí thú làm ăn. cái account của họ mỗi ngày một đầy, của Vôn mỗi ngày bị lưng, xẹp xuống, có lẽ bạn bè thấy cô Vôn bằng ánh mắt ngờ ngợ, vì cô đã chuyển cái ước vọng đi về một nẻo khác “người.” Chung quanh cô Vôn, những cộng sự thân tín, được mấy ai thấm hiểu cho nỗi lòng, những trăn trở trong cô? Không phải một vì sao cô đơn là gì, năm mới mong vì sao ấy sáng mãi, nhất là sớm có nhiều người cùng lòng đồng hành.
Tiếp đến chương trình hái lộc, tặng quà, ca nhạc, lần này nổi lên chị Gấm với “Ai ra xứ Huế” hay tuyệt thế, nhiều bảng nhạc xuân, thơ xuân được trình bày, nhiều món ăn đặc sản tết, cùng với mì Quảng, cơm gà order từ nhà hàng Đại Nam, ngon đáo để
- Tết thầy
Quê mình có câu: Mùng một tết cha (mẹ) mùng ba tết thầy, tôi có ba vị thầy hàm dưỡng, kính mến: cựu đại tá Huỳnh Văn Chính, mùng ba gọi phone hoài không được, có lẽ ông chống baton thị sát mấy trung đoàn SĐ 7 rồi, may gặp ông trong lễ chào quốc kỳ đầu năm, đã chúc tết rồi.
Cựu Thiếu Tá Thái Ối Xuyến, mùng ba tết hỏi Đằng, con trai của anh, cháu nói: Ba con ngủ rồi chú!
Cựu Đại Úy Nguyễn Hữu Hy, tôi vẫn giữ thông lệ tới nhà chúc tết chú thím Hy, như mọi năm, được chú thím lì xì trà ngon tuyệt hảo hạng, trên đường về tôi nói với vợ: Tuần sau mình đến chúc tết chú thím Hy nữa! Vợ tôi nói chừng đây trà uống cả tháng chưa hết…mà. Tôi nói: kệ đem về để dành!
- Tết café
Hằng ngày tôi lân la đánh cờ tướng (đánh dỡ khẹt) uống café ở Kinh Đô, và Window, năm nay tới phiên Window tổ chức giải cờ tướng, tổng giải thưởng lên tới $2500.
Cảm ơn: Nhân ngày đầu năm Mậu Tuất, chân thành cảm ơn những cơ sở kinh doanh quảng cáo trên báo Hồn Nước, cảm ơn quý bạn đọc, đã dành nhiều cảm tình cho tờ báo, đặc biệt cảm ơn hai ông anh đồng hương Xứ Quảng: anh Đỗ Xuân Quang, anh Võ Công Minh, đã có lòng chắt lọc những bài, những truyện hay và tin nóng gửi đến báo Hồn Nước.
Năm mới kính chúc quý vị và bửu quyến dồi dào sức khỏe, gia đình vạn anh, hạnh phúc.
Atlanta ngày đầu Xuân Mậu Tuất.
Báo Hồn Nước