Khóc Ba

 
levanthong
Kính thưa quý vị:
Ba của chúng tôi là ông Tađêô Võ Văn Thống, được sinh ra trong một gia đình thuần nông, trọng văn học. Tại Đại Lộc, Quảng Nam, Tín thác niềm tin vào Chúa Jesu, Mẹ Maria. Thưở xa xưa người phụ nữ chưa được coi trọng, hiếm người đến được trường lớp học hỏi, thế nhưng bà nội của chúng tôi thông hiểu sách vở, đạo lý thánh hiền, vì vậy khi ông nội qua đời sớm, tự một tay bà tần tảo, mưu sinh và răn dạy con cái. Ba của chúng tôi là người con trưởng, nên được hưởng những tinh hoa từ bà nội.
Đất nước can qua thời “Việt Minh” 1945 – 1954, gia đình bị chính quyền bắt bớ, đem đấu tố, điều này nói lên sự khá giả, thịnh vượng của gia đình. Sau 1954 thực dân Pháp trả quyền độc lập xứ sở, toàn dân được sự lãnh đạo anh minh của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, là Thanh Niên, ba tôi gia nhập Nghĩa Dũng Đoàn, bảo vệ an ninh xóm làng, địa phương, rồi Đoàn Thanh Niên Cộng Hòa, đây là những bước đi tập sự đầu đời, để ba của chúng tôi nhập cuộc với đất nước, gần hai mươi năm chiến tranh, với vai trò của người Cảnh Sát Quốc Gia, trong sứ mạng “Bảo Quốc An Dân.” Trong suốt thời gian ba tôi phục vụ, nhà tôi sống trong cảnh thanh bần, hạnh phúc.
Vốn sinh quán Đại Lộc, Quảng Nam, nhưng sau biến loạn 1-11-1963, phần nhiều làng quê Quảng Nam bị Việt Cộng đe dọa an ninh, gia đình chúng tôi theo ba ra ở Phước Thành, Hòa Khánh, Giáo Xứ Cha Văn, đây là lần tỵ nạn Cộng Sản lần thứ nhất. Tưởng rằng đất nước có cơ hồi phục, đất tạm dung Hòa Khánh, rồi cũng có ngày tạm biệt, để trở về với bản quán. Trớ trêu thay tình hình đất nước không mấy khả quan, hiệp định Paris ký ngày 27 tháng 3 năm 1973, bóng hoàng hôn, đã khởi điểm cho đêm đen toàn đất nước, Ba của chúng tôi lại đưa gia đình vào Bàu Cá, ngày nay là xã Đông Hòa, Thống Nhất, Đồng Nai, theo đoàn người vào Nam lánh nạn, đây là lần tỵ nạn Cộng Sản lần thứ hai.
Cuối cùng đành thất thủ 30/4/1975, đêm đen đã bao trùm lên cả nước, ba của chúng tôi như bao nhiêu người khác, đành vào trại giam của chế độ CS, năm 1979 trở về đời sống bình thường, ba tôi chăm chỉ, vất vả, chịu thương, chịu khó mong cho gia đình, bớt đói khổ trong hoàn cảnh toàn quốc đều bi đát, trước cái ăn cái mặc, tất cả đều rơi xuống hố bần cùng.
Tôn Hòa Khánh, ván Hòa Khánh, lâu ngày cũng rã mục, rét rỉ, vì thế nắng dọi, mưa dột, mùa màng thường xuyên thất bát, thêm chính sách “ngăn sông cấm chợ” làm triệu người điêu đứng, toàn dân từ Nam chí Bắc đều sống trong cảnh cầm chừng, tuy nghèo là vậy, ba của chúng tôi không lấy vật chất, của cải làm trọng, trên trần nhà lót ván, thời ấy ai qua đời, không đóng nổi quan tài, cứ tới nhà ba tôi dỡ về làm quan tài, đến khi hết thì thôi.
Là người cha, nhưng ông yêu thương con với khối tình bao la như người mẹ. Có lần ông đạp xe đạp từ Bàu Cá, tới Bình Tuy, vượt hàng trăm cây số, với xe đạp củ kỷ, dưới trời nắng nóng như đổ lửa, khi về ông đèo được 2 thùng lúa, của người bạn cựu đồng nghiệp Nguyễn Văn Ba, cho ông, tưởng rằng đây là những hạt trân châu, những viên thuốc thần cứu đói, lúc gia đình ngặt nghèo, nào ngờ ông bảo mẹ chúng tôi đem đi xay ra gạo, bán bớt 2 lít, ông đem tiền 2 lí gạo này đưa chúng tôi đi uống café!
Ôi ba ơi, con nay đã trót đời người, đi đây đó đã nhiều, uống hàng vạn ly café, song ly cà phê ngon nhất vẫn là ly café của ba, vẫn thơm lừng lựng đến mãn đời ba ơi!
Ba của chúng tôi đến Hoa Kỳ, tháng 6 năm 1996, theo mẫu hồ sơ RF, tương tự điều kiện HO, phía sau ông là Bàu Cá, nơi có căn hà xiêu vẹo, và 7 người con, gồm: 3 trai, 4 gái, về sau nhờ đạo luật Thượng Nghị Sĩ Mc Cain, ba mẹ của chúng tôi đón được các em: Bé Uyên, Nguyệt và Triều, còn lại Anh Trị, anh An, và hai em: Nga, Thuỷ, đến nay tất cả đã có gia đình, có con cháu, nội ngoại đầy đủ, riêng bé Nguyệt còn độc thân.
Một ông cụ đến Mỹ, đã 67 tuổi đời, với hai bàn tay trắng, không sinh ngữ, không bằng lái xe, làm được gì? Với tình yêu thương con cái vô biên, ba tôi làm được tất cả, không quản nắng nung, không ngại ngùng mưa sa, tuyết phủ, ba tôi lam lũ, chỉ sau 5 năm, các anh chị, các em bên Việt Nam, từ chổ thiếu thốn, đã có nhà, có xe vững vàng, đặc biệt căn nhà xiêu vẹo Bàu Cá, nơi cất giữ những kỷ niệm buồn vui, khổ ải của chúng tôi, được xây dựng khang trang, từ một tay ba tôi làm nên, khi tuổi đời đã vượt qua bảy mươi!
Sau chừng 5 tháng, ba tôi bịnh và yếu dần, gia đình đưa vào Nursing home, Dekalb để an dưỡng, ở đây được Bác Sĩ, Y Tá tận tình chăm sóc, thuốc men, thức ăn và những phương tiện tuyệt đối ưu hạng, nhưng trở ngại ba tôi không có người trò chuyện, thức ăn Mỹ không quen, chỉ với hai trở ngại này, bịnh của ba chúng tôi thêm nhiều biến chứng khó lường. Do đó ông trở về Việt Nam ngày 4 tháng 11 năm 2011, để anh chị em bên Việt Nam chăm sóc, phụng dưỡng theo điều kiện phù hợp.
Tôi là người con rễ, bên cạnh ông 30 năm, tôi kính ông là người cha, tôi yêu mến ông như người bạn, cha con chúng tôi như 2 tam giác đồng dạng.
Ba yêu Quảng Nam, con cũng yêu như ba.
Ba tôn vinh cố TT Ngô Đình Diệm, con cũng hết lòng tôn kính nhà ái quốc Ngô Đình Diệm.
Ba thích thịt gà tiệm Church, trên đường Memorial Dr, đúng qúa, chỉ có ở đó thịt gà mới giòn và thơm ngon.
Con đi đấu tranh ở đâu, ba theo đến đó. Có một tin tức mới, cha con đều chia xẻ.
Ba ơi 6 năm trước, vịn xe lăn ba qua cửa kính cách ly phi trường, chúng con đã rùng mình tê tái. Kể từ đó mỗi ngày chúng con cầu nguyện, mong ngày cha con trùng phùng, hạnh ngộ. Nhưng gió xuôi chiều, đưa ba về nước Chúa.
Lòng chúng con đau buồn, nhớ thương ba vô hang!

Góp ý

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s